Người chiến sĩ được đặt tên một hòn đảo Trường Sa: Anh đã ngã xuống, nhưng hòn đảo được bảo vệ, và được đặt tên của anh.
Hôm đoàn công tác chúng tôi ra thăm được chia làm hai nhóm để đến với anh em trên cả 2 điểm đảo Phan Vinh A và Phan Vinh B. Khi đặt chân lên cầu cảng, tất cả cán bộ, chiến sĩ đã chờ sẵn trên bờ từ khi nào. Sau những cái bắt tay siết chặt, những lời thăm hỏi thân tình, là khoảng lặng xúc động khi đoàn trưởng công tác kể câu chuyện về sự hi sinh quên mình của liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh.
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Tôi đã nhiều lần đến Trường Sa, đã đi chân trần trên sỏi đá ở đảo Phan Vinh vào mùa biển lặng tháng tư hàng năm, lần nào cũng không kìm được xúc động, khi được chính các chiến sĩ ở hòn đảo nhỏ này kể câu chuyện về sự hi sinh kiên cường của liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh.
Chiến sĩ trẻ Trần Văn Quyết, quê ở Đất đỏ Bà Rịa Vũng Tàu nói với chúng tôi: "Chúng em luôn tự hào về Nguyễn Phan Vinh, người thuyền trưởng của Đoàn tàu không số- hòn đảo duy nhất mang tên người anh hùng này, chúng em tự hào về điều đó".
Anh hùng Trung úy liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933 tại Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Như bao trai làng khác, năm 21 tuổi, Vinh lên đường tòng quân nhập ngũ. Hành trang luôn nung nấu trong tim anh là tình yêu Tổ quốc và lòng căm thù giặc sâu sắc. Ngày lên đường, mẹ anh chỉ nói một câu "Tổ quốc đang cần con, con cứ đi đánh giặc". Lời nói ấy tiếp thêm trong tim anh luồng máu nóng. Tạm biệt xóm làng, Nguyễn Phan Vinh ra đi với lòng yêu quê hương vô hạn. Đó là vào một ngày cuối thu năm 1954.
Sau 9 năm kể từ ngày Nguyễn Phan Vinh lên đường tòng quân nhập ngũ vào quân đội, anh chưa về thăm gia đình lần nào, đầu năm 1963, mẹ anh mất vì bị địch bắt, bà bị đánh đập giã man sau một trận chống càn quân địch.
Cùng năm ấy, người anh trai của anh là Nguyễn Đức Lân hi sinh trên chiến trường Quảng Nam. Trận chiến không cân sức giữa tàu 235 với tàu địch ở vùng biển Hòn Hèo (xã Ninh Phước, Ninh Vân, Khánh Hòa) tháng 3-1968, anh và 14 đồng đội đã hi sinh. Cuối năm ấy, bố anh- Ông Nguyễn Đức Mẫn là du kích xã Điện Nam cũng hi sinh trong một trận chống địch càn quét tại xã.
Cũng vào thời điểm ấy, nhiều thanh niên, du kích, người dân ở mảnh đất nghèo khó này đã ngã xuống để bảo vệ dân làng. Nhiều người đã trở thành anh hùng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Anh ngã xuống giữa làn đạn địch
Vào năm 1968, cuộc chiến đấu của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt. Kẻ địch tìm mọi cách ngăn chặn con đường vận chuyển trên biển mà chúng gọi là con đường "cực kỳ nguy hiểm" này. Chúng đã điều động một lực lượng không quân, hải quân Mỹ và quân đội Sài Gòn khá mạnh để chăng lưới bủa vây trên mặt biển, đón bắt những con tàu cảm tử chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên biển, chúng chia thành nhiều tổ, bố trí tàu chiến khắp nơi hòng ngăn chặn tàu của ta. Chúng lắp đặt radar chuyên dụng quét sóng đêm ngày. Trên trời chúng cho máy bay tuần đảo trinh sát, dưới đất chúng cho lính siết chặt canh phòng cẩn mật.
Nhận được mệnh lệnh cấp trên, 11 giờ 30 phút ngày 27-2-1968, tàu 235 xuất phát chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo dưới sự chỉ huy của Trung úy - thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Xác định, đây là chuyến đi cực kỳ nguy hiểm vì địch ráo riết kiểm soát. Hòn Hèo là bến luồng thủy hẹp, nhiều bãi đã ngầm, ngoằn nghoèo, địch bố phòng dầy đặc, đòi hỏi người thuyền trưởng phải có tay nghề lão luyện mới có thể đưa tàu vào bến an toàn. Đảng ủy Lữ đoàn 125 quyết định chọn tàu 235 vượt biển làm nhiệm vụ đặc biệt này.
Tàu có 21 cán bộ, chiến sĩ: Chính trị viên Nguyễn Tương, thuyền phó 1: Đoàn Văn Nhi; thuyền phó 2: Võ Tá Tu; máy trưởng: Trương Văn Mùi; thợ máy: Ngô Văn Thứ, Nguyễn Minh Hải, Trần Lộc; thợ điện: Lê Duy Mai; báo vụ: Phạm Trường Nam, Doãn Quang Ruyện; rađa: Trần Thọ Thuyết; thủy thủ: Ngô Văn Dầu, Nguyễn Văn Phong, Hà Minh Thật, Đào Quang Ty; hàng hải: Mai Văn Khung, Lâm Quang Tuyến; y tá: Hoàng Văn Hòa; cơ yếu: Nguyễn Văn Dũng và chiến sĩ thợ máy: Long An.
< Chiến sĩ trên đảo Phan Vinh.
Trước giờ nhổ neo, chiến sĩ Ngô Văn Dầu bị viêm phổi phải vào viện nên chỉ còn lại 20 người. Đi hai ngày đêm trên vùng biển quốc tế. Chiều tối 29-2, tàu 235 hải trình đến ngang vùng biển Nha Trang thì bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, tàu liền chuyển hướng vào bờ. Ngay lập tức, địch huy động 3 tàu chiến: Ngọc Hồi, HQ 12, HQ 617 và 4 tàu khác của duyên đoàn 25 khẩn cấp đến vùng biển Nha Trang với ý định bắt sống tàu 235. Lúc này tàu 235 cách bờ 19 hải lý.
Biết đã bị lộ, Thuyền trưởng Phan Vinh khôn khéo điểu khiển tàu 235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đến được bến Ninh Phước lúc 0 giờ 30 phút ngày 1-3-1968. Anh quyết định thực hiện phương án hai, cho thả vũ khí đạn dược xuống nước để quân dân ở bến Hòn Hèo mò vớt sau. Các kiện hàng được bao gói đặc biệt lần lượt thả xuống biển. Lúc đó, chừng 1 giờ 30 phút, 3 tàu loại lớn và 4 tàu loại nhỏ của địch khép chặt vòng vây đuổi ở phía sau, phía trước là núi.
< Đại tướng Lê Đức Anh và các sỹ quan trên đảo Phan Vinh.
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh động viên anh em và cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống bến Ninh Vân, vừa chạy, vừa nghi binh nhằm mục đích không cho địch biết vị trí tàu vừa thả vũ khí xuống biển. Tàu địch lập tức đuổi theo, nã đạn dữ dội. Chúng điện cho nhau tất cả đều tắt đèn, tàu nào sáng đèn chứng tỏ đó là tàu Việt Cộng. Cuộc rượt đuổi trên biển diễn ra vô cùng ác liệt.
Tàu 235 rơi vào tình thế vô cùng khó khăn, phía trước là núi chắn, phía sau là 7 tàu chiến địch chặn đứng. Dưới ánh đèn pha sáng rực, chúng dùng súng 12,7 ly bắn xối xả vào tàu ta với hi vọng bắt sống. Các loại súng có sức hủy diệt như pháo cối, bắn liên tiếp lên dọc bờ hòng "Việt cộng nhảy xuống biển bơi vào bờ tẩu thoát". Sau đó chúng gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két. Trong lửa đạn, Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em chiến đấu và điều khiển tàu chạy sát bờ. Các thủy thủ Thật, Phong liên tiếp dùng DKZ và 14 ly 5 bắn về phía tàu địch, một chiếc bốc cháy khiến chúng không dám vào gần.
< Đảo Phan Vinh ngày nay.
Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Hỏa lực của địch liên tục bắn vào tàu ta. 5 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Phan Vinh cũng bị mảnh đạn xượt qua đầu. Anh tự băng bó vết thương trong buồng lái và động viên mọi người tiếp tục chiến đấu. Ý định của anh là phá vòng vây, vượt ra ngoài khơi cho dễ cơ động, nếu cần, áp sát tàu địch và cho nổ tàu tiêu diệt bọn chúng. Nhưng lúc đó máy tàu hỏng nặng, ý định phá vòng vây không thành.
Nguyễn Phan Vinh đã chỉ huy cho tàu di chuyển vào sát bờ. Lúc đó chừng 2 giờ 20 phút ngày 1-3-1968, khi tàu cách bờ hơn 100m, anh tổ chức đưa người đã hy sinh và bị thương vào bờ, số còn lại được phân công cài kíp nổ, phá tàu. Các chiến sĩ Vinh, Thứ, An cài kíp nổ ở khoang máy, các vị trí khác do chiến sĩ Khung, Thật, Mai đảm nhiệm. Sau khi cài xong kíp nổ, tất cả nhảy xuống nước bơi vào bờ, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu ở chân núi Bà Nam. Chiến sĩ An được giao nhiệm vụ nếu tàu không nổ phải quay lại kiểm tra các kíp nổ và sẵn sàng hi sinh. 20 phút sau, lúc 2 giờ 40 phút, ngày 1-3-1968, một cột lửa bùng lên, kế đó là tiếng nổ dữ dội, chấn động tới Nha Trang.
Sức công phá của khối thuốc nổ khiến tàu 235 bị đứt làm đôi, một nửa chìm trong nước, một nửa văng lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân. Biết "Việt cộng" đang co cụm ở chân núi Bà Nam, địch đã gọi máy bay đến bắn phía ven biển, nhằm dọn đường cho bộ binh bao vây, bắt sống các thủy thủ tàu 235. Số thủy thủ rút lên bờ còn lại 9 người. Địch lập tức đổ quân lùng sục. Thuyền trưởng Vinh và thợ máy Thứ đã chỉ huy anh em kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Biết là sẽ hi sinh tại núi Hòn Hèo, nhưng Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh động viên, chỉ huy các chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Một ngày, hai ngày, rồi mười ngày trôi qua, dưới cái nắng như thiêu như đốt, không lương thực, không nước uống, súng không còn đạn, 7 cán bộ chiến sĩ là Vinh, Mai, Thật, Phong, Khung, Tuyến, An đã kiệt sức vì vết thương quá nặng. Anh em cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi Hòn Hèo. Đến ngày thứ 11, chiến sĩ Khung đi tìm nước uống nhưng không trở về, sau này mới biết Khung bị địch bắt. Vậy là còn 6 cán bộ chiến sĩ. Ngày thứ 12, anh em liên lạc được với du kích ở bến.
Noi gương anh quyết tâm giữ đảo
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 14 đồng đội đã anh dũng hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo. Khi ấy Nguyễn Phan Vinh mới ở tuổi 35. Sự hy sinh của anh đã trở thành bất tử trong lòng những người lính biển và quân dân cả nước.
Tên tuổi Nguyễn Phan Vinh và 14 chiến sĩ hải quân đã hy sinh tại biển Hòn Hèo năm 1968 được lập bia tại đảo Phan Vinh như nhắc nhở thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau nêu gương sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Tự hào hòn đảo mang tên người anh hùng, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo Phan Vinh luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió và quyết tâm giữ đảo, dù phải hi sinh đến tính mạng của mình.
< Cầu tàu trên đảo Phan Vinh A.
Hôm đoàn công tác chúng tôi ra thăm được chia làm hai nhóm để đến với anh em trên cả 2 điểm đảo Phan Vinh A và Phan Vinh B. Khi đặt chân lên cầu cảng, tất cả cán bộ, chiến sĩ đã chờ sẵn trên bờ từ khi nào. Sau những cái bắt tay siết chặt, những lời thăm hỏi thân tình, là khoảng lặng xúc động khi đoàn trưởng công tác kể câu chuyện về sự hi sinh quên mình của liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Tất cả các nữ văn công đều khóc, còn chúng tôi ngậm ngùi chẳng nói nên lời. Tôi còn nhớ như in lời nói của chiến sĩ Nguyễn Hùng Hiền: "Trong gian khổ mới thấy đức hi sinh, trong gian nguy mới hiểu tình đồng đội. Thế hệ chúng tôi biết ơn anh Vinh bao nhiêu, thì càng quyết tâm giữ đảo bấy nhiêu. Phan Vinh luôn là niềm tự hào của những người lính biển".
Đảo Phan Vinh hôm nay xanh tươi bởi trăm loài cỏ cây hoa lá và đời sống bộ đội được cải thiện nhờ có điện từ nguồn năng lượng mặt trời. Dù ở biển, dù ở sông hay lênh đênh trên những con tàu vượt sóng ngàn khơi, cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh đang ngày đêm vững vàng tay súng bảo vệ từng tấc đảo, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc.
< Đảo Phan Vinh B.
Đảo Phan Vinh (tên quốc tế: Pearson Reef), tên cũ là Hòn Sập là một hòn đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, nằm tại tọa độ 8o56′ vĩ Bắc, 113o38′ kinh Đông, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 430 hải lý. Đảo này được hải quân nhân dân Việt Nam quản lý, cắm cờ từ năm 1988 sau khi Trung Quôc gây hấn tại quần đảo Trường Sa.
Đảo được đặt tên theo trung úy Nguyễn Phan Vinh, người Điện Bàn, thuyền trưởng của nhiều con tàu không số trong Chiến tranh Việt Nam. Đảo Phan Vinh hồi ấy chỉ nổi khi thủy triều xuống thấp, khi triều lên chỉ có một vài mỏm đá nổi cao hơn mặt nước. Đảo nằm cách dảo Núi Le 12 hải lý.
Đảo Phan Vinh A là đảo nổi hoàn toàn, Phan Vinh B được dựng xây trên bãi đá san hô ngấp nghé mặt nước khi thủy triều rút xuống - hai đảo cách nhau 7km.
Comments[ 0 ]
Post a Comment