Người Sài Gòn vốn hào sảng nên dễ dàng tiếp nhận các món ăn đến từ những vùng miền khác. Mì Quảng là một món như vậy.
Để ăn mì Quảng ngon, người ta thường bảo nhau đến Q.Tân Bình (TP.HCM), khu vực tập trung nhiều người miền Trung sinh sống và có hẳn chợ bà Hoa là nơi cung cấp độc quyền các sản vật của miền.
Nhưng với người sành ăn thì chỉ có tới quán Sâm nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ca Văn Thỉnh (Q.Tân Bình, TP.HCM) mới tìm được hương vị mì Quảng chánh gốc.
Mì Quảng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Quán lúc nào cũng đông khách, nên việc tìm một chỗ để xe hay một chiếc bàn ưng ý là không dễ dàng. Thậm chí, khi hết bàn, khách phải đứng chờ đến lượt. Nhưng dù đông cách mấy thực khách cũng không phiền lòng vì không bị giảm chất lượng dịch vụ.
Để làm nên hương vị đặc trưng của mì Quảng Sâm, đầu tiên phải nói tới rau, nhất là cải cúc, một loại rau cải nhỏ, lá tròn, thơm đặc trưng, luôn giòn và có vị ngọt nhẹ, rất hợp với nước dùng đậm đà của tô mì.
Người sành ăn hầu như không bao giờ gọi rau trụng, bởi nếu trụng thì rau mất ngon, nên cứ cho rau tươi vào tô, trộn đều lên với các loại thực phẩm đã được kho rim kỹ, bóp một ít bánh tráng nướng, thế là có ngay tô mì ngon đúng điệu.
Ớt hiểm, xà lách nhí, rau thơm, sợi mì đều được chủ quán mang vào từ Quảng Nam. Đặc biệt là nước dùng, ở mì Quảng Sâm có chút vị thơm của cà ri, chút vị thịt, tôm với công thức chế biến gia truyền đã làm nên món ăn độc đáo.
Cá, tôm, thịt gà, thịt heo … là những nguyên liệu chính của tô mì. Khách có thể dùng thập cẩm hoặc gọi riêng.
Một yếu tố không thể không nhắc đến là nước chấm. Nước mắm sền sệt pha với đường được nấu sôi, thêm ớt băm nhuyễn, tỏi, chanh cùng với bí quyết nêm nếm riêng làm nên chén nước chấm dậy mùi thơm, bắt mắt.
Du Miên
In bài này
Comments[ 0 ]
Post a Comment